Ngành Giáo dục và Đào tạo Thị xã Ba Đồn: Nỗ lực vượt khó sau bão số 10

(QBĐT) – Chưa khắc phục xong thiệt hại trong đợt lũ lụt lịch sử xảy ra vào tháng 10-2016, bước vào năm học mới 2017-2018, ngành Giáo dục và Đào tạo thị xã Ba Đồn lại phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn về cơ sở vật chất trường lớp do bão số 10 gây ra. Cùng với sự nỗ lực của địa phương, thị xã Ba Đồn rất cần sự chung tay, hỗ trợ đầu tư từ nhiều phía để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đổi mới căn bản và phát triển toàn diện sự nghiệp giáo dục-đào tạo trên địa bàn.

Thị xã Ba Đồn có địa hình khá phức tạp, dân cư sinh sống tập trung chủ yếu ở ven sông, các cồn nổi và vùng đồng bằng nhỏ hẹp, thấp trũng, nên thường chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những diễn biến bất thường của thời tiết, như: áp thấp nhiệt đới, mưa, bão, lũ, triều cường…

Riêng trong trận lũ lụt xảy ra vào tháng 10-2016, gần 100% các đơn vị trường học tại các xã vùng Nam thị xã bị thiệt hại về hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Đến trận bão số 10 vừa qua, toàn thị xã có trên 400 phòng học bị thiệt hại; trong đó có 8 phòng học bị sập đổ, 10 phòng học bị hư hỏng nặng, 14 phòng học không thể tiếp tục sử dụng được và 397 phòng học bị hư hại. Hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị dạy học bị thiệt hại tại các trường học ước tính trên 700 triệu đồng.

Ngoài ra, hệ thống công trình xanh-sạch-đẹp ngoài trời của 57/57 trường học bị thiệt hại từ 50 đến 90%. Tác động của thiên tai đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động dạy và học tại các trường, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia hàng năm của thị xã.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Thanh Minh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Ba Đồn cho biết, nhờ sự chung tay, hỗ trợ về kinh phí từ nhiều phía, hệ thống cơ sở vật chất trường lớp trên địa bàn thị xã đã dần được khắc phục, một số trường học đã được đầu tư mới.

Tuy nhiên, những điều kiện này chỉ mới đáp ứng yêu cầu cơ bản cho thực tiễn dạy học, chưa bảo đảm cho nhiệm vụ đổi mới căn bản và phát triển toàn diện sự nghiệp giáo dục-đào tạo trên địa bàn thị xã.

Dãy nhà 8 phòng học của Trường tiểu học số 1 Ba Đồn bị bão số 10 đánh sập tường.

Hiện tại, nhiều trường học trên địa bàn còn thiếu hệ thống phòng chức năng, phòng học bộ môn (theo chuẩn quy định), trang thiết bị dạy-học chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu, một số trường học mầm non còn thiếu phòng học và phòng làm việc, phải sử dụng phòng học mượn.

Dẫu còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất trường lớp, nhưng với quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học mới 2017-2018, ngành Giáo dục và Đào tạo thị xã đã bám sát tình hình thực tiễn địa phương, xác định rõ những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để tổ chức thực hiện dạy và học đạt hiệu quả.

Theo đó, ngành chú trọng phát triển quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục, đẩy mạnh phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt”; tập trung chỉ đạo và tăng cường hơn nữa kỷ cương, nền nếp trong các nhà trường nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức và kỹ năng sống cho học sinh.

Trường tiểu học số 1 Ba Đồn là một trong những trường học thiệt hại nặng trong bão số 10 vừa qua. Trò chuyện với chúng tôi, ông Đoàn Văn Nam, Hiệu trưởng Trường tiểu học số 1 Ba Đồn cho hay, bão số 10 đã đánh sập tường dãy nhà 8 phòng học và hệ thống phòng thư viện, truyền thống, thiết bị, bếp nội trú của trường bị tốc mái gần như hoàn toàn.

Hiện tại, trường phải dừng việc dạy và học tại dãy nhà bị sập tường nên việc bảo đảm cơ sở vật chất dạy học cho học sinh toàn trường gặp rất nhiều khó khăn. Bà Lê Thị Tình, Hiệu trưởng Trường tiểu học Quảng Lộc cho chúng tôi biết, trong trận lũ lụt xảy ra năm 2016, Trường tiểu học Quảng Lộc bị thiệt hại rất lớn.

Tuy nhiên, nhờ sự chia sẻ, hỗ trợ về kinh phí và hiện vật của các tổ chức, đơn vị và cá nhân từ thiện, trường đã khắc phục nhanh thiệt hại và hoàn thiện dần cơ sở vật chất trường lớp. Niềm vui chưa nguôi, bão số 10 lại hoành hành gây thiệt hại lớn về cơ sở vật chất thiết bị dạy học của trường, đặc biệt hệ thống phòng học bị tốc mái gần như hoàn toàn. Hậu quả do bão số 10 gây ra làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động dạy học và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của trường.

Nhờ huy động tối đa các nguồn lực theo phương châm “bốn tại chỗ” nên cho đến thời điểm này, 100% đơn vị trường học trên địa bàn thị xã Ba Đồn đã ổn định công tác dạy và học. Các trường học đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, huy động sự chung tay góp sức của các tổ chức, đoàn thể để khẩn trương khắc phục, tu sửa các phòng học bị hư hỏng trong thời gian sớm nhất để bảo đảm cho học sinh học đủ tiết, đủ môn theo chương trình, kế hoạch năm học.

Riêng các trường học bị thiệt hại về phòng học đã chủ động mượn phòng học tạm, hoặc bố trí lịch học 2 ca mỗi ngày cho các khối lớp để kịp chương trình. Dẫu vậy, thị xã Ba Đồn đang rất cần sự chung tay góp sức của các tổ chức, đoàn thể và các nguồn lực hỗ trợ để vượt qua khó khăn hiện tại, tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất thiết bị dạy học nhằm duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở địa phương.