Lễ Tổng kết thi Giáo viên giỏi cấp TH, THCS năm học 2016-2017 cấp thị xã

Thực hiện kế hoạch của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT về việc triển khai Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp Tiểu học, THCS trong năm học 2016-2017. Phòng GD&ĐT Thị xã đã có kế hoạch cụ thể chỉ đạo các trường, các cụm chuyên môn tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi ở cấp cơ sở, chọn hạt nhân tiêu biểu dự thi cấp Thị, chuẩn bị cho việc dự thi cấp Tỉnh trong tháng 3 năm 2017.
Chiều ngày 04/01/2017 Phòng GD&ĐT thị xã Ba Đồn đã tổ chức tổng kết Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp THCS và cấp TH năm học 2016-2017 cấp Thị tại hội trường Phòng GD&ĐT thị xã.
Tham dự tổng kết có Đ/c Phạm Thanh Minh (TP. Phòng GD&ĐT Thị), và các đồng chí trong ban chỉ đạo, Ban giám khảo, cán bộ, chuyên viên phòng Giáo dục và Đào tạo và CBQL, giáo viên các trường THCS và TH cùng học sinh tham dự Hội thi giáo viên giỏi cấp THCS và cấp TH thị xã Ba Đồn năm học 2016-2017.
Tại lễ tổng kết Đ/c Phạm Thanh Minh (TP Phòng GD&ĐT) phát biểu : Thực hiện nhiệm vụ năm học 2016-2017, Phòng GD&ĐT đã xây dựng Kế hoạch thi giáo viên dạy giỏi cấp THCS và cấp TH. Hội thi lần này có giáo viên từ 17 trường THCS và 24 trường TH đăng ký dự thi.Trải qua các vòng thi ở cấp trường, cụm đội ngũ những thầy cô giáo đã có nhiều dịp trải nghiệm về kiến thức chuyên môn về ứng dụng công nghệ thông tin và đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao tay nghề, nâng cao chất lượng dạy học. Tuy khác nhau về tuổi tác nhưng giống nhau lòng nhiệt tình, niềm say mê học hỏi để có được những bài giảng hay, những trang giáo án điện tử sinh động, phương pháp dạy học tích cực đã tạo nên nhiều giờ dạy hấp dẫn, lối cuốn học sinh học tập.
*Đánh giá sau hội thi
1. Về đánh giá nội dung SKKN: Số lượng tham gia dự chấm: 67 sáng kiến (Tiểu học), 86 sáng kiến (THCS).
* Về ưu điểm:
– Đa số GV có ý thức chấp hành tốt các quy định của Ngành trong việc trăn trở, tìm tòi, nghiên cứu đề tài, sáng kiến khoa học giáo dục để áp dụng trong quá trình giảng dạy, công tác nhằm từng bước góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục.
– Những vấn đề được giáo viên lựa chọn, nghiên cứu đều mang tính thời sự, có tính cấp bách và lâu dài, với thực tiễn giảng dạy, giáo dục do bản thân đảm nhận.
– Các sáng kiến có đầu tư và thể hiện được khả năng sáng tạo của giáo viên trong việc vận dụng cái mới, các tiến bộ khoa học vào thực tiễn giáo dục ở địa phương và nhà trường hiện nay.
– Phương pháp nghiên cứu khoa học, các vấn đề được nghiên cứu tường minh có kết luận xác đáng.
– Một số GV bước đầu có khả năng nghiên cứu khoa học giáo dục:
Cấp Tiểu học như SKKN của GV Phan Xuân Hà – TH Quảng Tân; của GV Hoàng Thị Thanh Nhàn – TH số 2 Ba Đồn.
Cấp THCS: GV Nguyễn Thị Hoài Thương – THCS Q Phong, Phùng Vũ Lâm – THCS Q.Minh, Nguyễn Thị Mai Tuyết – THCS Ba Đồn, Đặng Thị Hoa Lài – THCS Q.Phúc.
– Nhiều sáng kiến có hiệu quả cụ thể, thiết thực như của GV Nguyễn Thị Thúy Lài – TH Quảng Thuận; của GV Đinh Thị Kim Liên – TH Quảng Minh A; Nguyễn Văn Mai – THCS Q.Văn, Nguyễn Thị Hạnh Minh – THCS NHN.
* Về nhược điểm:
– Kĩ năng soạn thảo văn bản bằng máy vi tính còn hạn chế. Còn sai sót nhiều về lỗi chính tả, cách trình bày văn bản. Đầu tư thời gian nghiên cứu còn ít. Một số sáng kiến có tên đề tài rộng nhưng phạm vi nghiên cứu thì hẹp.
– Xử lý số liệu chưa thật khoa học còn kém tính thuyết phục, thậm chí có sáng kiến còn sai kiến thức. Một số giải pháp còn mang tính lý luận, khó áp dụng.
– Đặc biệt còn một số SKKN copy bài của người khác nguyên bản, có sửa chữa một phần nhỏ, chưa biến được cái của họ thành cái của mình.
– Việc tổ chức chấm SKKN tại trường, ở cụm chưa thực hiện nghiêm túc nên có 1 số SKKN còn coppy trên mạng, sai nhiều lỗi, sự đầu tư ít, mang tính hình thức.
+ Kết quả cụ thể:
– Cấp TH: Số SKKN xếp loại đạt: 64/67 sáng kiến, đạt tỉ lệ 95,5%; Số SKKN xếp không đạt: 3/67 sáng kiến, chiếm tỉ lệ 4,5%.
– Cấp THCS: Số SKKN xếp loại đạt: 77/86 sáng kiến, đạt tỉ lệ 89,53%; Số SKKN xếp không đạt: 9/86 sáng kiến, chiếm tỉ lệ 10,47%.
2. Về đánh giá phân thi năng lực:
* Ưu điểm:
+ Qua phần thi năng lực, ghi nhận nhiều GV đã nắm cơ bản các nội dung về nội dung BDTX năm học 2016-2017, các bước dạy học theo mô hình Trường học mới, phương pháp dạy học “bàn tay nặn bột”, về Chuẩn NNGVTH-THCS, về chuẩn Quốc gia, về đánh giá HSTH-THCS, về giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, về đổi mới phương pháp dạy học theo hướng nghiên cứu bài học, đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn, đổi mới phương thức đánh giá giờ dạy.
+ Một số GV đã có 1 số giải pháp nâng cao chất lượng khá phù hợp, sáng tạo để thúc đẩy chất lượng giáo dục toàn diện. Phát hiện được một số giáo viên có kiến thức chuyên môn tốt để giới thiệu vào hội đồng bồi dưỡng học sinh giỏi của Thị xã.
* Về nhược điểm:
+ Một số giáo viên chưa nắm vững các nội dung thiết thực hàng ngày trong hoạt động tại đơn vị nên quá trình làm bài còn sai sót, hiệu quả làm bài chưa cao. Một số giáo viên còn mơ hồ về quy trình đánh giá, xếp loại giáo viên cuối năm; giải pháp đưa ra để nâng cao chất lượng giáo dục còn thiếu tính đổi mới, sáng tạo. Công tác đổi mới phương pháp dạy học ở một số trường chưa được chú trọng, nhận thức của một số giáo viên còn hời hợt, kiến thức chuyên môn của một số giáo viên còn rất hạn chế, chử viết cẩu thả.
+ Một số trường chưa chú ý đến việc hướng dẫn, chỉ đạo cho GV nắm các nội dung liên quan đến cấp học và của Ngành nên chất lượng làm bài còn nhiều hạn chế.
– Kết quả cụ thể:
+ Cấp TH: Số GV xếp loại đạt: 62/67 GV, đạt tỉ lệ 92,5%. Số GV xếp không đạt: 5/67 GV, chiếm tỉ lệ 7,5%.
+ Cấp THCS: Số GV xếp loại đạt: 62/75 GV, đạt tỉ lệ 82,7 %. Số GV xếp không đạt: 13/75 GV, chiếm tỉ lệ 17,3% (2 GV không dự thi vì lý do chính đáng)
3. Về phần thi thực hành:
* Ưu điểm:
+ Về phương pháp, hình thức tổ chức, đánh giá học sinh:
– Nhiều tiết dạy đã thể hiện rất rõ đặc trưng của phương pháp dạy học mới, nhất là các tiết dạy theo chương trình VNEN. Nhiều giáo viên đã lựa chọn và kết hợp nhiều hình thức dạy học sáng tạo, phù hợp với nội dung bài học nên đã tạo được sự hấp dẫn, lôi cuốn học sinh, phát huy được tính tích cực, chủ động của các em trong việc tự học và tự chiếm lĩnh bài học như tiết Những người bạn thông minh, tình nghĩa – môn Tiếng Việt lớp 2 của GV Thanh Nhàn (TH số 2 Ba Đồn), tiết Luyện tập chung – môn Toán lớp 3 của GV Nguyễn Thị Lài (TH số 2 Quảng Văn), tiết của GV Nguyễn Văn Mai – THCS Q.Văn.
– Nhiều tiết dạy biết kết hợp vận dụng phương pháp dạy học truyền thống và phương pháp dạy học mới, kích thích được hứng thú của học sinh như tiết của GV Trần Văn Phượng – môn Văn trường THCS NHN, Võ Ngọc Châu – môn Sinh trường THCS Q.Văn.
Dẫn dắt và phát hiện kịp thời những khó khăn của học sinh. Biết phân tích, tổng hợp, đánh giá hoạt động của học sinh, giúp học sinh chính xác hóa các đơn vị kiến thức. Chuyển giao nhiệm vụ rõ ràng, dứt khoát, cụ thể. Ví dụ như tiết dạy của GV Nguyễn Văn Mai – THCS Q.Văn, GV Nguyễn Thị Mai Tuyết – THCS Ba Đồn.
– Việc dạy học nhóm ở một số tiết dạy được thực hiện có hiệu quả hơn không còn mang tính hình thức như trước nữa. Học sinh rất mạnh dạn và tích cực tham gia hợp tác nhóm. Một số em nhóm trưởng điều hành nhóm khá tốt như tiết dạy của GV Nguyễn Thị Thu Hường – môn Đạo đức lớp 4B (TH Quảng Thuận), GV Đinh Thế Hà – môn Lý THCS Q.Long, Nguyễn Thị Thu Hiền – môn Hóa THCS Ba Đồn, Hồ Quang Yên – môn Vật lý THCS Q.Thủy.
– Một số GV có tác phong và thần thái lên lớp rất tốt. Ngôn ngữ diễn đạt có chắt lọc, ngắn gọn. Kiến thức chắc chắn, hệ thống câu hỏi hợp lý nên đã tạo được hứng thú cho học sinh rất hiệu quả như tiết dạy của GV Đinh Thị Kim Liên – môn Tiếng Việt lớp 1 (TH Quảng Minh A), tiết của GV Nguyễn Thị Thu – môn Tiếng Anh (TH số 2 Ba Đồn), GV Trần Thị Hoài Thương – môn Sử THCS Q.Phong; GV Nguyễn Thị Hạnh Minh – môn Tiếng Anh THCS NHN.
– Thực hiện đánh giá thường xuyên GV đối với HS, HS đánh giá lẫn nhau trong nhóm và tự đánh giá bản thân có hiệu quả. GV có nhiều biện pháp hỗ trợ, khích lệ động viên HS hoàn thành các yêu cầu bài học.
+ Về ứng dụng CNTT, sử dụng đồ dùng dạy học:
Việc chuẩn bị đồ dùng dạy học cũng được các GV chú trọng. Nhiều đồ dùng dạy học có sáng tạo, phong phú về hình thức, chất liệu và đặc biệt là được sử dụng hợp lý ở mỗi hoạt động học tập của HS vì vậy đã mang lại hiệu quả dạy học cao. Đã kết hợp tốt các phương tiện dạy học.
+ Về việc tiếp thu của HS:
– Nhìn chung các em học sinh thực hiện thành thạo theo các logo của tài liệu có hệ thống đảm bảo nhanh gọn chính xác theo yêu cầu của GV. Học sinh mạnh dạn, tự tin biết hợp tác với nhau trong nhóm để giải quyết hoàn thành nhiệm vụ giáo viên yêu cầu đồng thời sử dụng có hiệu quả những đồ dùng mà nhóm đã sưu tầm được.
– Các em biết lắng nghe chia sẻ tìm kiếm sự trợ giúp của các bạn trong và ngoài nhóm, GV để hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách nhanh nhất.
– Nhóm biết phân công giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, biết tương tác hỗ trợ lẫn nhau. Học sinh biết cách tự đánh giá khi các em được tự mình đánh giá bạn một cách trung thực các bạn trong nhóm sau đó báo cáo với GV về kết quả hoạt động của mình.
* Hạn chế, tồn tại:
+ Về phương pháp, hình thức tổ chức, đánh giá học sinh:
– Một số tiết dạy chưa đổi mới PPDH, hiệu quả dạy học chưa cao. Việc lựa chọn hình thức tổ chức dạy học thiếu tính sáng tạo nên không tạo được hứng thú, lôi cuốn học sinh vào các hoạt động học tập.
– Một số tiết dạy còn máy móc, rập khuôn và thiếu tính sáng tạo
– Kiến thức dạy học chưa sâu, chưa làm rõ mục tiêu cần đạt được.
– Một số tiết dạy phân bố thời gian các hoạt động dạy học chưa hợp lý, việc thảo luận nhóm còn hình thức, chưa phát huy được tính tích cực của học sinh, hiệu quả còn hạn chế.
– Một số giáo viên khả năng quan sát, theo giỏi học sinh còn hạn chế, chưa kịp thời tháo gỡ những vướng mắc khó khăn của học sinh mắc phải trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
– Việc hướng dẫn giao nhiệm vụ của một số giáo viên thiếu cụ thể, dứt khoát. – Việc chỉ ra lỗi và giúp học sinh sữa sai ở một số giáo viên chưa chú ý.
– Một số tiết dạy chưa chú ý rèn kĩ năng cho học sinh.
– Các câu hỏi trong tiết học không có tính hệ thống, ngôn từ chưa chắt lọc, một số câu hỏi dài dòng, chưa rõ ý, giao việc chưa rõ ràng, câu lệnh thiếu ngắn gọn. Nhiều GV còn hay nhắc đi nhắc lại câu hỏi nhiều lần, còn nhắc lại câu trả lời của HS. Nhiều tiết dạy GV vẫn còn nói nhiều, tạo cho HS có thói quen nói chắp đuôi.
– Giáo viên tổ chức hình thức thảo luận nhóm còn mang tính hình thức, còn dồn việc vào bạn nhóm trưởng.
– GV chưa bao quát được tư thế ngồi viết của học sinh, nhiều em cúi quá sát, lưng ngồi chưa thẳng.
– Việc tổ chức trò chơi chưa đúng với bản chất là trò chơi học tập, đôi khi còn quá lạm dụng em Chủ tịch HĐTQ
4. Đánh giá về công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện của Ban Chỉ đạo, Ban GK và việc chuẩn bị các điều kiện về CSVC của các trường đặt địa điểm thi:
* Ưu điểm:
– Phòng đã có các Công văn hướng dẫn cụ thể cho 2 cấp học về việc tổ chức thi cấp trường, cấp cụm một cách kịp thời, bám sát với các nội dung thi cấp Tỉnh.
– Ban Chỉ đạo, Ban Giám khảo hội thi, các bộ phận phục vụ làm hết sức trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ góp phần vào thành công của Hội thi.
– Các trường đặt địa điểm thi năng lực, thực hành: Đã có sự chuẩn bị địa điểm, CSVC chu đáo cho Hội thi diễn ra thuận lợi, an toàn, nghiêm túc.
* Hạn chế, tồn tại:
– Hội thi diễn ra trong thời gian khá dài nên trong chừng mực vẫn còn có một số thiếu sót cần tiếp tục điều chỉnh phù hợp hơn cho các hội thi lần sau.
5. Kết quả của Hội thi:
+ Cấp TH:
– Có 59/67 giáo viên đạt GV dạy giỏi cấp Thị chiếm 88,1%.
– Có 27/67 giáo viên đạt giải GV dạy giỏi cấp Thị chiếm 40,2% (gồm 01 giải Nhất, 02 giải Nhì, 09 giải Ba, 15 giải KK).
– Chọn đi dự thi cấp Tỉnh: 5/67 giáo viên chiếm 7,5% số GV dự thi (TH số 2 Ba Đồn: 02, TH số 2 Quảng Văn: 01, TH Quảng Minh A: 01, TH Quảng Thuận: 01).
+ Cấp THCS:
– Có 61/86 giáo viên đạt GV dạy giỏi Thị chiếm tỉ lệ 70,93%. Số lượng giáo viên đạt giải 41/86 chiếm tỉ lệ 47,67% (gồm 08 giải Nhất, 08 giải Nhì, 11 giải Ba, 14 giải KK)
– Chọn đi dự thi cấp Tỉnh: 23/86 giáo viên chiếm tỉ lệ 26,74% (THCS Q.Phúc 4, THCS Q.Minh 3, THCS NHN 3, THCS Q.Văn 2, THCS Ba Đồn 2, THCS Q.Thủy 2; THCS Q.Lộc, Q.Tiên, Q.Sơn, Q.Thuận, Q.Long, Q.Phong , Q.Tân 1).
Sau lễ Tổng kết Ban tổ chức trao các giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích cho các giáo viên.
Hội thi giáo viên dạy giỏi bậc THCS và TH là hoạt động chuyên môn được tổ chức định kỳ hằng năm, tạo điều kiện để các thầy, cô giáo thể hiện năng lực chuyên môn, cũng như nâng cao chất lượng, đổi mới phương pháp giảng dạy, trao đổi học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau góp phần xây dựng mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện Giáo dục& Đào tạo.